Kể từ khi phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vào năm 2018, Mỹ gần đây đã áp đặt mức thuế 100% đối với xe điện của Trung Quốc, ngăn chặn mặt hàng này xâm nhập thị trường Mỹ một cách hiệu quả.

Hôm 12/6 vừa qua, Ủy ban Châu Âu (EC) thông báo sẽ tăng thuế hải quan với xe điện (EV) nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong tuyên bố của mình, EC cáo buộc chuỗi giá trị xe điện ở Trung Quốc “được hưởng lợi từ việc trợ cấp không công bằng” gây ra “thiệt hại có thể thấy rõ và sắp xảy ra” đối với ngành công nghiệp của châu Âu.

Do đó, Liên minh châu Âu (EU) quyết định áp dụng thuế chống trợ cấp tạm thời đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 4/7. Nếu Trung Quốc và EU không đạt được giải pháp, khối sẽ xem xét có nâng cấp các mức thuế tạm thời này lên các biện pháp vĩnh viễn trong vòng 4 tháng kể từ khi áp dụng hay không.

Cụ thể, hãng xe BYD sẽ phải chịu mức thuế bổ sung 17,4%, Geely 20% và SAIC 38,1%. Ngoài ra, các thương hiệu xe điện Trung Quốc hợp tác điều tra nhưng chưa được lấy mẫu sẽ phải chịu mức thuế trung bình có trọng số là 21%. Các mức thuế này cao hơn mức tiêu chuẩn 10% đang được áp dụng đối với xe điện nhập khẩu vào EU.

Những chiếc xe điện BYD đang chờ xếp lên tàu tại bến container quốc tế của cảng Taicang ở thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: AFP)

"Đòn phản công" từ Bắc Kinh

Mặc dù thuế quan của EU đối với xe điện Trung Quốc thấp hơn nhiều so với mức thuế Mỹ áp đặt, nhưng chúng vẫn gây trở ngại đáng kể cho thương mại Trung Quốc - EU. Đương nhiên, Trung Quốc phải ứng phó với tình huống bất lợi này.

Bắc Kinh tuyên bố sẽ áp dụng thuế bổ sung đối với ô tô nhập khẩu có động cơ lớn hơn 2,5 lít. Dù không nhắm mục tiêu rõ ràng vào EU nhưng ô tô nhập khẩu có động cơ phân khối lớn hơn 2,5 lít chủ yếu là mẫu xe hạng sang, trong đó Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu từ Đức và một số nước EU khác.

Tiếp đó, hôm 13/6, chỉ một ngày sau khi EU công bố mức thuế bổ sung đối với xe điện của Trung Quốc, Bộ Thương mại nước này tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc điều tra "chống trợ cấp" đối với các sản phẩm sữa của EU, và một cuộc điều tra "chống bán phá giá" đối với thịt lợn cũng như các sản phẩm từ thịt lợn có nguồn gốc từ EU.

Đây là đợt 'phản công' đầu tiên của Trung Quốc chống lại việc tăng thuế của EU, cho thấy Bắc Kinh dường như đã có kế hoạch tương ứng cho tình huống này.

Các nhà xuất khẩu sản phẩm sữa và thịt lợn của EU sang Trung Quốc chủ yếu là Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Italia, những nước ủng hộ chính sách tăng thuế quan đối với xe điện Trung Quốc của EU. Rõ ràng, Trung Quốc chọn các sản phẩm từ sữa và thịt lợn làm mục tiêu cho đợt phản công ban đầu, nhằm thực hiện các "cuộc phản công chính xác" vào các nước EU.

Con dao hai lưỡi

Nếu Trung Quốc và EU không thể tìm ra giải pháp trước ngày 4/7 và khối này áp dụng thuế bổ sung đối với xe điện của Trung Quốc, Trung Quốc cũng có thể tăng cường các biện pháp đáp trả các nước EU ủng hộ việc tăng thuế.

Một trong những biện pháp đáp trả mạnh nhất của Trung Quốc có thể nhắm vào tập đoàn hàng không vũ trụ châu Âu Airbus. Trung Quốc là một trong những thị trường chính của tập đoàn này.

Trung Quốc có thể nhắm vào tập đoàn hàng không vũ trụ châu Âu Airbus như một động thái đáp trả mạnh mẽ việc EU tăng thuế xe điện. (Ảnh: Reuters)

Giờ đây, máy bay C919 nội địa của Trung Quốc về cơ bản đã hoàn thiện. Một khi các biện pháp đối phó được thực hiện với Airbus, ngành hàng không vũ trụ châu Âu sẽ bị giáng một đòn nặng nề. Airbus hiện đang sử dụng khoảng 63.000 nhân công tại 16 địa điểm ở 4 quốc gia EU: Pháp, Đức và Tây Ban Nha, Anh.

Nếu Trung Quốc có hành động đối với Airbus, cuộc chiến thương mại Trung Quốc - EU sẽ leo thang đáng kể. Cuộc chiến thương mại là con dao hai lưỡi đối với Trung Quốc và EU. Một khi cuộc chiến bắt đầu và leo thang, nó có thể dẫn đến tổn thất lớn và cả hai bên đều có nguy cơ thua cuộc.

Bên cạnh đó, quan hệ Trung Quốc - EU có thể sẽ ngày càng xấu đi và những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm ngăn chặn châu Âu hoàn toàn liên kết với Mỹ thông qua quan hệ kinh tế - thương mại có thể vô ích.

Sau khi Mỹ phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vào năm 2018, châu Âu vì lợi ích riêng đã chọn không theo chân Washington trong việc áp đặt các hạn chế thương mại đối với Trung Quốc.

Do đó, nhà nghiên cứu cấp cao Yu zuyuan của tờ Liên hợp Tảo báo cho rằng, dù Trung Quốc có khả năng đáp trả việc EU tăng thuế quan đối với xe điện, "nhưng việc biết cách cân bằng trong khi áp dụng các biện pháp đáp trả để tránh quan hệ Trung Quốc - EU nói chung đi vào ngõ cụt, cũng như ngăn các nước châu Âu quan trọng trở thành đối thủ cạnh tranh mới của Bắc Kinh, cũng là những thách thức mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải xử lý thận trọng".

Hoa Vũ(Nguồn: Liên hợp Tảo báo)